Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với các địa phương

Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với các địa phương; công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).

Sáng ngày 19/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại điểm cầu trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Chính chủ trì Phiên họp

Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.

Quang cảnh Điểm cầu tỉnh Hưng Yên

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta có những bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS năm 2022) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX năm 2022). Theo đó, Chỉ số CCHC của cấp bộ gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần; cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100 điểm.

 

Về Chỉ số CCHC 2022, tỉnh cao nhất đạt 90,10%, thấp nhất 75,99%; Quảng Ninh đứng hạng nhất, đứng thứ hai là TP Hải Phòng, thứ ba là TP Hà Nội. Đối với cấp bộ, đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt 91,77%, hạng nhì Bộ Tư pháp, hạng ba Bộ Tài chính.

Về Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính 2022, tỉnh cao nhất đạt 87,59%, thấp nhất là 72,54%; đứng đầu là Quảng Ninh, Thái Nguyên hạng nhì, Cà Mau hạng ba.

Chỉ số CCHC của Hưng Yên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm đạt được là 86,84 điểm. Về Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính, Hưng Yên xếp thứ hạng 6/63 tỉnh, với tổng điểm đạt được là 84,90%.

Cũng tại Hội nghị, Văn phòng Chính phủ báo cáo chuyên đề “Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Theo đó, các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 395 quy định kinh doanh tại 54 văn bản quy phạm pháp luật. Về chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, đến nay đã có 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9-2022; 62,7% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa...Thực hiện Đề án 06, đến nay, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 60 địa phương, phục vụ làm sạch dữ liệu của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chí dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế, như: Tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; thủ tục hành chính của một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương mình, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục hiệu quả. Cùng với đó, đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hoàn thiện thể chế; bổ sung trang thiết bị và nguồn lực để triển khai Đề án 06. Rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 9-2023. Có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC đối với các tỉnh; phát biểu tại điểm cầu tỉnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng khẳng định các Chỉ số PARINDEX, SIPAS được công bố đã phản ánh khá trung thực kết quả phấn đấu, nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mục tiêu, nhiệm vụ đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại. Thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cần cụ thể hóa nhiệm vụ, xem xét diễn biến của từng chỉ số xếp hạng liên quan đến cải cách hành chính về thứ bậc, điểm số qua đó tiếp tục phát huy những chỉ số được cải thiện. Đối với chỉ số còn hạn chế, cần tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Các sở, ngành, địa phương có thứ bậc, điểm số các chỉ số thấp cần chú ý nỗ lực cải thiện để đóng góp vào thành tích chung của cả tỉnh.

Trần Anh Dũng, Phòng CCHC-VTLT

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
193 người đang online