12/03/2020 | lượt xem: 10 Chính phủ quy định mới về công tác văn thư Ngày 05/03/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) Theo đó, Nghị định này quy định về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư. Công tác văn thư được quy định tại Nghị định này gồm: Soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; quản lý và sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư. Về nguyên tắc quản lý công tác văn thư, Nghị định quy định: Công tác văn thư được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật. Về yêu cầu, văn bản của cơ quan, tổ chức phải được soạn thảo và ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày theo quy định của pháp luật: Đối với văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đối với văn bản chuyên ngành do người đứng đầu cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ Nghị định này để quy định cho phù hợp; đối với văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định này. Tất cả văn bản đi, văn bản đến của cơ quan, tổ chức phải được quản lý tập trung tại Văn thư cơ quan để làm thủ tục tiếp nhận, đăng ký, trừ những loại văn bản được đăng ký riêng theo quy định của pháp luật. Văn bản đi, văn bản đến thuộc ngày nào phải được đăng ký, phát hành hoặc chuyển giao trong ngày, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo. Văn bản đến có các mức độ khẩn: “Hỏa tốc”, “Thượng khẩn” và “Khẩn” (văn bản khẩn) phải được đăng ký, trình và chuyển giao ngay sau khi nhận được; văn bản phải được theo dõi, cập nhật trạng thái gửi, nhận, xử lý; người được giao giải quyết, theo dõi công việc của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập hồ sơ về công việc được giao và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức phải được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hệ thống phải đáp ứng các quy định tại Phụ lục VI Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan. Về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy. Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đúng quy định về công tác văn thư, chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác văn thư. Cá nhân trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc có liên quan đến công tác văn thư phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan. Văn thư cơ quan có nhiệm vụ: đăng ký, thực hiện thủ tục phát hành, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn bản đi; tiếp nhận, đăng ký văn bản đến; trình, chuyển giao văn bản đến; sắp xếp, bảo quản và phục vụ việc tra cứu, sử dụng bản lưu văn bản; quản lý Sổ đăng ký văn bản; quản lý, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức; các loại con dấu khác theo quy định. Văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công. Về kỹ thuật trình bày văn bản bao gồm: khổ giấy, kiểu trình bày, định lề trang, phông chữ, cỡ chữ, kiểu chữ, vị trí trình bày các thành phần thể thức, số trang văn bản. Kỹ thuật trình bày văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này. Viết hoa trong văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục II Nghị định này. Chữ viết tắt tên loại văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III Nghị định này. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chi tiết về: Soạn thảo và ký ban hành văn bản hành chính; Quản lý văn bản đi; Quản lý văn bản đến; Sao văn bản; Lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; Quản lý, sử dụng con dấu và thiết bị lưu khóa bí mật trong công tác văn thư và Quản lý nhà nước về công tác văn thư… Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./. Theo: moha.gov.vn
Ban hành tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có tần suất sử dụng cao để số hóa phục vụ Dự án “Lưu trữ tài liệu điện tử Phông Lưu trữ Nhà nước Việt Nam - Giai đoạn 2”
Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ
Tiếp nhận tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của UBND huyện Phù Cừ, và UBND thị xã Mỹ Hào vào Lưu trữ lịch sử tỉnh
Thông báo số 03/TB-HĐKT ngày 06/4/2021 của Hội đồng Kiểm tra Cục Văn thư Lưu trữ về kế hoạch tổ chức kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ
Công văn số 01/SNV-VTLT ngày 04/01/2021 của Sở Nội vụ về việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê công tác văn thư, lưu trữ năm 2020