Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với các địa phương

          Ngày 14/11/2023, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức họp trực tuyến đánh giá kết quả cải cách hành chính 10 tháng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 02 tháng cuối năm 2023 (Phiên họp thứ 6).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ

          Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thứ nhất Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố; thành viên tổ tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo CCHC tỉnh.

Quang cảnh Điểm cầu tỉnh Hưng Yên

           Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại cuộc họp nhận định, trong 10 tháng năm 2023, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cải cách hành chính.

        Trong 10 tháng năm 2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính đã tổ chức 03 Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC chủ trì. Đặc biệt, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với cải cách hành chính. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

       Các đại biểu thống nhất đánh giá, công tác cải cách hành chính thời gian qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực triển khai có hiệu quả trên cả 6 mặt công tác.

Thứ nhất, Công tác xây dựng và ban hành pháp luật là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các thành viên ban chỉ đạo tại các bộ, ngành. Trong 10 tháng năm 2023, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 247 VBQPPL (giảm 08 văn bản so với cùng kỳ 2022); các địa phương ban hành 1540 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 39 văn bản so với cùng kỳ năm 2022), 1135 VBQPPL cấp huyện (tăng 171 văn bản so với cùng kỳ năm 2022) và 57 VBQPPL cấp xã (giảm 421 văn bản so với cùng kỳ năm 2022).

Thứ hai, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đẩy mạnh cải cách TTHC. Trong quí III/2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác cải cách TTHC (Tổ Công tác) của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổ chức 02 phiên họp vào ngày 08/9/2023 và ngày 16/10/2023 để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệmvụ cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

- Trong 10 tháng đầu năm 2023, Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 TTHC/1.086 TTHC (đạt 40%) để thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó, có 05 bộ, ngành hoàn thành thực thi phương án. Đã có 21/22 bộ, ngành và 61/63 địa phương công bố 4.028 TTHC nội bộ; 05 địa phương phê duyệt phương án đối với 117 TTHC nội bộ. Tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022).

Thứ ba, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Về vị trí việc làm, đến nay đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.

Thứ tư, cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh.

Trong 10 tháng năm 2023, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 nghị định và 01 Quyết định lĩnh vực công vụ, công chức. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang tích cực hoàn thiện để đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, ĐVSNCL, đảm bảo đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, dân cư. Tính đến nay, đã có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia về CBCCVC; trong đó có 67 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ 100% dữ liệu, 11bộ, ngành, địa phương đồng bộ trên 90% dữ liệu. Tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt hơn 2,2 triệu/hơn 2,3 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các Bộ, ngành, địa phương vào Cơ sở dữ liệu CBCCVC (đạt tỷ lệ 95,3%, tăng 14.435 dữ liệu so với tháng 9/2023).

- Thứ năm, cải cách tài chính công

Chính phủ đã ban hành 08 Nghị định, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 16 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, theo đó,đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước thanh toán từ kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 46.44% kế hoạch vàđạt 51.34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Thứ sáu, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực.

Đến nay, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trong 10 tháng đầu năm 2023 khoảng 6.2 triệu văn bản; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả. 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Tỷ lệ DVCTT toàn trình trên tổng số đủ điều kiện đạt 100%; 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. đến 10/10/2023 đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt trên 379,3 triệu tài khoản (chiếm 69,4% tổng tài khoản phê  duyệt, tăng 17,2 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng). Có 24 địa phương  đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Dân cư.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào phân tích những khó khăn, rào cản và đề xuất các phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực để đạt được mục tiêu CCHC năm 2023

        Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực thúc đẩy triển khai công tác cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc. Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân…

        Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành cần xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng, đột phá, phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành trên cơ sở quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội khối Nhà nước, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện sắpxếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Triển khai hiệu quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP  một cách thực chất, hiệu quả; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến gắn với việc đẩy mạnh  triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

        Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thứ nhất Chỉ đạo CCHC tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm đối với công tác CCHC như sau:  

Một là, Nghiêm túc đánh giá tình hình, thực hiện chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong triển khai thực hiện có các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước theo Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10/8/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 07/12/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về CCHC nhà nước tỉnh Hưng Yên năm 2023.

Hai là, Thực hiện nghiêm các quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Bộ phận Một cửa cấp huyện, Bộ phận Một cửa cấp xã tập trung các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp khi đến liên hệ thực hiện TTHC; tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị máy móc thực hiện nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định, bảo đảm 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được cập nhật, số hóa trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết TTHC.

Thường xuyên rà soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhất là các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ và đảm bảo 100% TTHC được cung cấp trực tuyến được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Công khai đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết theo quy định; công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại bộ phận một cửa các cấp; công khai 100% tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Nghiêm túc thực hiện trách nhiệm xin lỗi cá nhân, tổ chức đối với các hồ sơ quá hạn theo quy định.

Ba là, Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 133/KH-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 của Chính phủ; Kế hoạch số 140-KH/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các Kế hoạch ngày 07/7/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: số 208-KH/TU triển khai thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW giai đoạn 2023-2026; số 209-KH/TU tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW đến năm 2026.

Triển khai thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm được giao năm 2023 tại Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 10/8/2023 về thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của UBTV Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Thực hiện trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại công chức, viên chức đảm bảo đúng theo quy định Quy định số 540-QĐ/TU ngày 10/10/2022 đánh giá, xếp loại chất lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức,viên chức, người lao động tỉnh Hưng Yên.

Bốn là, Tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nội dung theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023; đồng thời thực hiện tốt các nội dung UBND tỉnh dân tỉnh đã chỉ đạo liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc thẩm quyền quản lý. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 06/4/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp.

Năm là, Triển khai thực hiện đầy đủ, hoàn thành 100% các mục tiêu, nhiệm vụ được giao theo  Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 21/02/2023 của UBND tỉnh về phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Hưng Yên năm 2023. Khẩn trương rà soát, xây dựng và cập nhật đầy đủ dữ liệu cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành (100% các ngành, lĩnh vực phải xây dựng CSDL chuyên ngành) và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trục kết nối liên thông của tỉnh (LGSP) để dùng chung toàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và đặc biệt là UBND cấp xã thực hiện nghiêm việc sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh trong gửi và nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước và phải đảm bảo ký số với 100% văn bản đi, đến (trừ văn bản mật), không sử dụng văn bản giấy. Chỉ đạo công chức, viên chức thực hiện nghiêm việc lập hồ sơ công việc điện tử và bảo đảm tỷ lệ theo quy định. Tăng cường cung cấp đầy đủ thông tin lên Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, địa phương mình đảm bảo theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đảm bảo an toàn thông tin mạng trong quá trình khai thác và sử dụng các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đặc biệt các nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Sáu là, Các đơn vị được UBND tỉnh giao tham mưu thực hiện các nhiệm vụ CCHC của tỉnh chủ động triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá trực tiếp các lĩnh vực được UBND tỉnh giao; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện các nội dung CCHC thuộc phạm vi quản lý và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã được giao.

Phòng Cải cách hành chính-Văn thư lưu trữ


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
33 người đang online