Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với các địa phương
Ngày 03 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố.
Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại cuộc họp nhận định, năm 2022, cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...
Các đại biểu thống nhất đánh giá, công tác cải cách hành chính thời gian qua được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tích cực triển khai có hiệu quả trên cả 6 mặt công tác.
Thứ nhất, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, đổi mới và có nhiều chuyển biến. Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua đối với 12 dự án luật; 06 nghị quyết. Các bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 131 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định. Năm 2022, cả nước đã tổ chức 549.271 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp; phát miễn phí hơn 62 triệu bản tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.
Thứ hai, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng, tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tăng cường phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Cắt giảm 1041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, gồm: 488 TTHC, 8 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 46 yêu cầu, điều kiện; 21 chế độ báo cáo và 478 sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, trong đó, đã yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên 12 lĩnh vực quản lý nhà nước. Đến nay, đã có 53/63 địa phương thực hiện thống nhất 02 hệ thống Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Thứ ba, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt.
Năm 2022, giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 08 cục (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 145 Vụ và tương đương; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Tại địa phương, năm 2022, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập. Tinh giản biên chế, đến nay cả nước giảm 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021); trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Thứ tư, cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh
Chính phủ trình Quốc hội thông qua một số nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đã ban hành 03 nghị định trong lĩnh vực công vụ, công chức; đang xem xét 03 dự thảo Nghị định. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động. Theo đó, Hệ thống cơ sở dữ liệu dự kiến quản lý gần 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.
Thứ năm, cải cách tài chính công
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05/9/2022 về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ sáu, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực.
Đã có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%.Đã có 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0. Cổng Dịch vụ công quốc gia: Tính đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 4.419 dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021; có khoảng 3,9 triệu tài khoản đăng ký trên Cổng; hơn 156 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 1,7 lần so vời cùng kỳ năm ngoái); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến và hơn 7,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực thúc đẩy triển khai công tác cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Công tác chỉ đạo cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt ở một số địa phương như:
Cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực. Một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.Việc xử lý những vấn đề phát sinh khi sắp xếp, tổ chức bộ máy còn có mặt hạn chế; thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời.Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội.Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nơi còn hình thức. Tuy hồ sơ nộp trực tuyến nhưng thực chất người dân vẫn phải đến trực tiếp Bộ phận Một cửa để công chức hướng dẫn, yêu cầu quét hồ sơ, tài liệu tại chỗ. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các CSDL quốc gia còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương là khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt 9%...
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành cần xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng, đột phá, phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành trên cơ sở quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội khối Nhà nước, quy định kinh doanh, giảm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27 của Trung ương. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt như tổ giúp đỡ người dân chuyển đổi số ở Quảng Ninh và thực hiện kiện toàn các ban chỉ đạo CCHC do Chủ tịch UBND làm trưởng ban.
Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm đối với CCHC trong năm 2023 như sau:
Một là, Đẩy mạnh các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được UBND tỉnh giao. Triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10/8/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 23/12/2022 của UBND tỉnh về CCHC nhà nước tỉnh Hưng Yên năm 2023. Nghiêm túc đánh giá tình hình thực hiện, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chỉ tiêu đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (trong đó, các chỉ tiêu đánh giá thuộc nhóm CCHC gồm: Chỉ số CCHC; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS)) theo quy định tại Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, Tăng cường kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do ngành quản lý và tham mưu ban hành, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật. Nâng cao năng lực dự đoán, dự báo tình hình để chủ động trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương và kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên. Thường xuyên kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo về số lượng, có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ, nhạy bén trong phản ứng chính sách. Đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và lĩnh vực được xác định trọng tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, Khẩn trương, tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải cách mạnh mẽ quy định, TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ; Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Thường xuyên rà soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhất là các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ và đảm bảo 100% TTHC được cung cấp trực tuyến được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% TTHC do tỉnh công bố được cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (trong thời gian 05 ngày kể từ ngày ký ban hành); công khai 100% TTHC, tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.
Bốn là, Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bảo đảm đạt tỷ lệ tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021- 2026 theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Năm là, Triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Quản lý chặt chẽ, đầy đủ nguồn thu NSNN; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện đầy đủ các quy định về công khai ngân sách nhà nước.
Sáu là, Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và nhiệm vụ hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ và các Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC; thực hiện quyết liệt việc sử dụng chữ ký số điện tử tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thực hiện kết nối chia sẻ với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh. Có biện pháp tuyên truyền, thúc đẩy việc người dân, tổ chức thường xuyên sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết TTHC.
Bảy là, Các sở ngành được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện nhiệm CCHC của tỉnh triển khai các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC cấp tỉnh; Chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, đánh giá trực tiếp lĩnh vực trong Kế hoạch CCHC hàng năm của tỉnh; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong quá trình thực hiện các nội dung CCHC thuộc phạm vi quản lý và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã được giao theo lĩnh vực,tiêu chí, tiêu chí thành phần trong Chỉ số CCHC của tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy định và Bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả công tác CCHC đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cấp xã đảm bảo đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng, khả thi trong quá trình thực hiện; bám sát nội dung Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025 của tỉnh và Chính phủ. Kết quả xác định Chỉ số CCHC làm căn cứ để đánh giá và công bố mức độ hoàn thành thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ các Chỉ số cải cách nền hành chính theo quy định.
Trần Anh Dũng (Phòng Cải cách hành chính - Văn thư lưu trữ)