Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021

Sáng ngày 30/12, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và công chức một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; tại điểm cầu các bộ, cơ quan ngang bộ có đại diện lãnh đạo và công chức của Vụ/ Ban phụ trách công tác cải cách hành chính; tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, lãnh đạo và công chức phòng chuyên môn phụ trách công tác cải cách hành chính; đại diện lãnh đạo và công chức Văn phòng UBND cấp tỉnh và các Sở: Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ.

 

Ông Phạm Minh Hùng phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng nhấn mạnh, Hội nghị nhằm hướng dẫn triển khai việc tự đánh giá, chấm điểm và công tác điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, các tỉnh, do đó, đặt ra yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải nắm bắt được toàn bộ nội dung các lĩnh vực đánh giá; các tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên rất cần sự quan tâm sâu sát của các bộ, ngành, địa phương để việc chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Phạm Minh Hùng mong muốn, sau khi kết thúc điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, ngành, địa phương bằng hình thức trực tuyến sẽ có kết quả cao hơn các năm trước, đảm bảo tính chính xác, khách quan, an toàn thông tin, tiết kiệm nhân lực và chi phí. Do đó, đề nghị các các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để triển khai thành công nội dung này; đồng thời, trao đổi, thảo luận, thống nhất các nội dung triển khai và đề cập các vấn đề phát sinh để cùng nhau giải quyết nhằm đẩy các mốc thời gian hoàn thành sớm hơn so với các năm trước.
 


Ông Phùng Doãn Hưng hướng dẫn việc chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021


Tại Hội nghị, ông Phùng Doãn Hưng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính hướng dẫn tự đánh giá, chấm điểm và hướng dẫn công tác điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, các tỉnh.

Theo đó, công tác tự đánh giá, chấm điểm, các tiêu chí đánh giá và quy trình đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, các tỉnh tiếp tục áp dụng Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; quy trình đánh giá theo Công văn số 383/BNV-CCHC ngày 28/01/2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn tự đánh giá, chấm điểm để xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và Công văn số 384/BNV-CCHC đối với cấp bộ.

Việc thực hiện đánh giá, chấm điểm được thực hiện trên phần mềm quản lý chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính tại địa chỉ: http://parindex.caicachhanhchinh.gov.vn. Thời hạn thực hiện đánh giá hoàn thành ngày 15/02/2022, sau thời hạn này, phần mềm sẽ tự động khóa. 

Về công tác điều tra xã hội học, phiếu điều tra xã hội học thực hiện theo Quyết định số 1218/QĐ-BNV ngày 29/11/2021của Bộ Nội vụ phê duyệt Phiếu điều tra xã hội học xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021. 

Theo đó, đối với cấp bộ gồm 5 đối tượng: lãnh đạo cấp vụ; lãnh đạo cấp sở; lãnh đạo cấp phòng thuộc sở; công chức phụ trách cải cách hành chính của bộ; lãnh đạo các Hội/Hiệp hội. Đối với cấp tỉnh gồm 4 đối tượng: đại biểu HĐND cấp tỉnh; lãnh đạo cấp sở; lãnh đạo cấp phòng thuộc sở; lãnh đạo UBND cấp huyện…

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với kế hoạch, hướng dẫn điều tra xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021. 

Các đại biểu đề nghị, khi chấm điểm và thẩm định, các vấn đề chưa rõ ràng cần nêu lý do cụ thể để bộ, ngành, địa phương căn cứ điều chỉnh hoặc làm thỏa mãn cơ quan, đơn vị tự chấm điểm. Về mốc thời gian hoàn thành là ngày 15/02 hàng năm, các đại biểu đề nghị giữ nguyên thời hạn như những năm trước là ngày 28/02 vì đối tượng điều tra nhiều hơn và cũng là lần đầu thực hiện trên phần mềm nên có thể không kịp. Về phần mềm, cần bổ sung chức năng để đơn vị chủ trì theo dõi được và đôn đốc đối với người nhận phiếu, khai phiếu; phân cấp, phân quyền cho các đối tượng điều tra xã hội học tự nhập thông tin điều tra để giảm tải cho đơn vị chủ trì…
 

Quang cảnh Hội nghị


Kết luận Hội nghị, ông Phạm Minh Hùng ghi nhận các ý kiến phát biểu tại Hội nghị và khẳng định sẽ nghiên cứu để đưa vào văn bản hướng dẫn phù hợp đảm bảo các bộ, ngành, địa phương thực hiện thuận lợi. Đối với các cơ quan, đơn vị còn có ý kiến cần gửi về Vụ Cải cách hành chính để tổng hợp và hướng dẫn.

Về công tác tự chấm điểm, cần chấm điểm theo đúng tiêu chí, tiêu chí thành phần theo Quyết định số 1149 và Công văn số 383, 384 của Bộ Nội vụ; trong  quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời để Bộ Nội vụ giải quyết, xử lý.

Về công tác điều tra xã hội học, đã thực hiện mở rộng đối tượng điều tra và thực hiện trên hệ thống đảm bảo tính kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch, do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tránh can thiệp vào việc trả lời phiếu của các đối tượng, tránh việc đánh giá hộ.

Các bộ, ngành, địa phương cần bám sát hướng dẫn, đảm bảo đánh giá trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời công tác cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm tối đa số lượng khảo sát theo quy định, trả lời đầy đủ các câu hỏi trong phiếu để đảm bảo điểm được chấm chính xác.

Đồng thời, tham mưu lãnh đạo bộ, lãnh đạo tỉnh cử đầu mối, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp với Bộ Nội vụ để đôn đốc thực hiện; phân công đầu mối kỹ thuật để xử lý các tình huống trong quá trình điều tra.

Theo: moha.gov.vn