Thứ năm, ngày 28 tháng 9 năm 2023
Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Hưng Yên ban hành Đề án xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DDCI) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025

Đăng ngày 18 - 05 - 2023
100%

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 về Đề án xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DDCI) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025 để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh hàng năm của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Theo quy định của Đề án, việc xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DDCI) được thực hiện theo hình thức kết hợp vừa đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh của cấp sở, cấp huyện vừa thực hiện điều tra xã hội học khảo sát ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua Bộ Chỉ số DDCI.

Hệ thống chỉ số và chỉ tiêu của Bộ Chỉ số DDCI được xây dựng trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại tỉnh Hưng Yên và bám sát Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh trong suốt quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.

Bộ Chỉ số DDCI áp dụng đối với cấp sở gồm: 11 chỉ số thành phần và 77 chỉ tiêu đánh giá trực tiếp đối với cấp sở (bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường (7 chỉ tiêu); Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (7 chỉ tiêu); Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (9 chỉ tiêu); Tính năng động của sở, ngành (5 chỉ tiêu); Chi phí thời gian (10 chỉ tiêu); Chi phí không chính thức (5 chỉ tiêu); Cạnh tranh bình đẳng (3 chỉ tiêu); Hỗ trợ doanh nghiệp (13 chỉ tiêu); Đào tạo lao động (8 chỉ tiêu); Thiết chế pháp lý (6 chỉ tiêu); Vai trò người đứng đầu (4 chỉ tiêu)).

Bộ Chỉ số DDCI áp dụng cấp huyện gồm: 11 chỉ số thành phần và 53 chỉ tiêu đánh giá trực tiếp đối với cấp huyện (bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường (5 chỉ tiêu); Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (8 chỉ tiêu); Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (8 chỉ tiêu); Tính năng động của địa phương (3 chỉ tiêu); Chi phí thời gian (2 chỉ tiêu); Chi phí không chính thức (4 chỉ tiêu); Cạnh tranh bình đẳng (3 chỉ tiêu); Hỗ trợ doanh nghiệp (7 chỉ tiêu); Đào tạo lao động (2 chỉ tiêu); Thiết chế pháp lý và đảm bảo an ninh trật tự (7 chỉ tiêu); Vai trò người đứng đầu (4 chỉ tiêu)).

Đối tượng đánh giá là các sở, ban, ngành, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, cơ quan thuộc ngành dọc trung ương cung cấp dịch vụ hành chính công hoặc giải quyết công việc có liên quan đến doanh nghiệp, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Chi Cục Hải quan Hưng Yên, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục quản lý thị trường tỉnh, Kho bạc nhà nước Hưng Yên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên, Tòa án nhân dân tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện; tổ chức công tác đánh giá xác định DDCI của tỉnh theo từng năm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh Bộ chỉ số DDCI của tỉnh và xây dựng tiêu chí đánh giá của từng chỉ số đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế; chủ trì thẩm định, tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định và tổ chức công bố công khai theo quy định.

Các Sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ thực hiện tự đánh giá, chấm điểm, xác định Chỉ số DDCI hằng năm theo hướng dẫn của Sở Nội vụ; phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tổ chức điều tra xã hội học để phục vụ xác định Chỉ số DDCI.

Đài phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên có trách nhiệm tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Đề án; kịp thời đưa tin, bài về kết quả xác định Chỉ số DDCI của các cơ quan, đơn vị hàng năm. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Đề án đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án sẽ đánh giá khách quan được năng lực điều hành của lãnh đạo chính quyền các thành phố, huyện thị và các sở, ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tìm ra các trở ngại, những nút thắt, điểm nghẽn liên quan trực tiếp tới năng lực điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện từ đó nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; thúc đẩy phong trào cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả đạt được từ DCCI sẽ là một giải pháp mang tính hiệu quả và đồng bộ để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của toàn tỉnh, giúp Hưng Yên bứt phá về thứ hạng  Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong những năm tiếp theo.

Tin mới nhất

°
30 người đang online