Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Quyết liệt hơn nữa trong triển khai công tác cải cách hành chính

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index 2021) ngày 25/5 tại trụ sở Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu bế mạc Hội nghị


Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện trong những năm vừa qua, là công cụ theo dõi, đánh giá kết quả, tác động của quá trình triển khai cải cách hành chính tới việc cải thiện chất lượng hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, thực tiễn chứng minh, các chỉ số này đã thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu quả tiến trình cải cách hành chính, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức, nhận diện rõ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của nền hành chính nói chung, của quá trình triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm của bộ, ngành, địa phương nói riêng.

Đồng thời qua đó, cũng khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, mọi chủ trương, chính sách phát triển đều hướng tới người dân, doanh nghiệp. Thông qua kết quả các chỉ số năm 2021, cho thấy nổi lên công tác xây dựng thể chế, chính sách; công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số đã có nhiều chuyển biến quan trọng, thiết thực góp phần thực hiện công tác phòng, chống đại dịch Covid – 19, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi kinh tế - xã hội vào những tháng cuối năm 2021. Kết quả đó giúp các bộ, ngành, địa phương có thêm động lực, khí thế mới để tiếp tục công cuộc cải cách hành chính với nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đang ở phía trước.

Thay mặt Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và trân trọng chúc mừng các bộ, ngành và địa phương đạt chỉ số cao thuộc nhóm tốp dẫn đầu trong việc triển khai xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trân trọng ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Hội Cựu Chiến binh các cấp, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp triển khai kế hoạch xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số cải cách hành chính thời gian qua.

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai các nội dung cải cách hành chính, tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ những hạn chế, bất cập trong công tác cải cách hành chính thời gian qua cần phải khắc phục. Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trên tất cả các lĩnh vực, từ chỉ đạo điều hành, đến cải cách thể chế, thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách công vụ, công chức và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử chưa đạt như mong muốn phần nào đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
 

Quang cảnh Hội nghị


Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; với phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra trong năm cũng như tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, xác định rõ trách của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và xây dựng các giải pháp, cách thức khắc phục. Người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi quản lý của mình, đồng thời, tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Hai là, tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách; trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhằm khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Hoàn thiện thể chế về đất đai, kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức. 

Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là tạo ra bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, không gắn với địa giới hành chính.

Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tập trung rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương theo quy định của Chính phủ. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương khoá XII. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiễm những trường hợp sai phạm về quản lý và sử dụng. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, trách nhiệm, hết lòng phục vụ người dân, tổ chức.

Năm là, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các bộ, cơ quan, địa phương.
 

 
Đại biểu các bộ, ngành, địa phương chụp ảnh lưu niệm


Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, sau Hội nghị này, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc triển khai công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả của Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số cải cách hành chính của năm 2022 và các năm tiếp theo. 

Về phía bộ. ngành, địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đồng chí lãnh đạo bộ, cơ quan, địa phương quan tâm chỉ đạo, nghiên cứu có các biện pháp thiết thực, hiệu quả, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong triển khai công tác cải cách hành chính, phấn đấu thực hiện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của năm 2022. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực, năng động, sáng tạo của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ củ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, công tác cải cách hành chính năm 2022 sẽ có bước chuyển biến mới và đạt được kết quả toàn diện hơn nữa, góp phần củng cố niềm tin, sự hài lòng của người dân, tổ chức và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo: moha.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
25 người đang online