11/06/2022 | lượt xem: 6 74 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/1948-11/6/2022) và các phong trào thi đua yêu nước nổi bật của tỉnh Hưng Yên Cách mạng Tháng Tám thành công, để giải quyết những khó khăn của đất nước, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ lâm thời phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, mở chiến dịch chống nạn mù chữ để diệt giặc dốt, "mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần dân chúng bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính" và sau đó tổ chức phong trào "tuần lễ vàng". phong trào Nam tiến chi viện cho Nam Bộ kháng chiến chống xâm lược Pháp...Trong điều kiện lịch sử lúc đó, việc phát động tòan dân tham gia thực hiện các chiến dịch và phong trào này không chỉ nhanh chóng giải quyết được nạn đói, nạn dốt, tăng cường chi viện cho kháng chiến ở miền Nam mà còn nâng cao nhận thức chính trị và khẳng định trên thực tế quyền làm chủ thực sự của nhân dân đối với đất nước mới được độc lập. Có thể xem đây là những phong trào có tính chất thi đua đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã góp phần to lớn vào việc tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần của dân tộc để bảo vệ thắng lợi thành quả của cách mạng tháng Tám. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thực hành "Đời sống mới" như "một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc" trên tinh thần "người này thi đua với người khác, nhà này thi đua với nhà khác, làng này thi đua với làng khác" và yêu cầu "Các cơ quan, các bộ đội, các đoàn thể phải hăng hái thi đua nhau mà làm". Trong thời gian này, Người cũng đề nghị "những người ái quốc và dân chủ không có đảng phái, phải lấy công tác thực tế về việc cứu quốc và kiến quốc mà thi đua nhau". Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, trong các điện thư gửi đồng bào, chiến sĩ và Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều kêu gọi tiến hành thi đua trong từng lĩnh vực cụ thể. Để động viên toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, theo sáng kiến của Người, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ trung ương Đảng đã ra chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc. Chuẩn bị cho công việc trọng đại này, ngày 06/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc từ Trung ương tới địa phương và Sắc lệnh số 196- SL bổ nhiệm người đứng đầu và các thành viên. Nhân dịp kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc có tổ chức ở nước ta. Từ đây, phong trào thi đua ái quốc, còn được gọi là phong trào thi đua yêu nước, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động, tổ chức thực hiện, gắn liền với lịch sử và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhằm ghi nhận truyền thống thi đua yêu nước qua các thời kỳ cách mạng và tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, ngày 04/3/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg, lấy ngày 11/60 hàng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Qua 74 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2022), Ngày truyền thống thi đua yêu nước, chúng ta càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống yêu nước của dân tộc với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, sáng tạo ra phong trào thi đua yêu nước động viên sức mạnh đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua từng giai đoạn phong trào thi đua yêu nước được tổ chức và phát động theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cách mạng của dân tộc. Các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của tầng lớp trong xã hội, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của đất nước, các phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả: phong trào “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, vận động “Đời sống mới”, Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng,... đến phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp như: “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” (01/3/1950), thi đua với tinh thần “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” (02/1951), “Thi đua đóng thuế nông nghiệp” (3/1953), ... Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam các phong trào thi đua đã được tổ chức phát động như phong trào “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,... đã được các cấp, các ngành, các giới hăng hái thi đua, tạo động lực tinh thần to lớn, góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ đổi mới các phong trào thi đua tiếp tục được phát động, thực hiện có hiệu quả góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước, tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”; “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”,... Trong giai đoạn hiện nay, các phong trào thi đua, yêu nước do Thủ tướng phát động đã được tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả trên toàn quốc, như: phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”… Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thi đua ái quốc”, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng; nhận thức sâu sắc thi đua yêu nước và khen thưởng là công cụ để phát huy hiệu quả việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã luôn xác định mục tiêu của các phong trào thi đua gắn với tình hình kinh tế - xã hội thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức phát động thi đua, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức phát động và triển khai nhiều phong trào thi đua, trong đó nổi bật là một số phong trào thi đua như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"khuyến khích các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thi đua nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển và thực thi cơ chế chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với mục tiêu giảm thời gian và chi phí, nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai để bị bỏ lại phía sau” tiếp tục trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và chỉ đạo thực hiện. Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hưng Yên thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 được triển khai sâu rộng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phong trào thi đua đã bước đầu góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện. Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 với phương châm “phòng là cơ bản, chiến dịch lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân. Phong trào thi đua “Phấn đấu nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI)”. Phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2021 nằm trong nhóm 20 toàn quốc; nâng mức xếp hạng chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 nằm trong top 5 toàn quốc; Chỉ số nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công tăng lên ít nhất 10 bậc so với năm 2020. Phong trào thi đua đặc biệt “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025” được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Các nội dung thi đua được đẩy mạnh như: thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ đúng và vượt thời gian; hoàn thành đúng hoặc vượt tỷ lệ % hàng năm theo kế hoạch đã đặt ra về công tác giải phóng mặt bằng; thi công hoàn thành thông xe kỹ thuật; xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp và giải ngân số vốn được cấp đối với các Dự án trọng điểm. Phong trào thi đua “Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên” giai đoạn 2022-2025 được tổ chức phát động nhằm thực hiện tốt về công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm có cơ chế để thực hiện công tác thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật. Phong trào thi đua “Hưng Yên đẩy mạnh thực hiện Đề án Chuyển đổi số” giai đoạn 2022-2025 đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn dân thực hiện thắng lợi Chương trình, Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh thi đua chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: sản xuất công nghiệp; nông nghiệp; an ninh, quốc phòng; Tài chính-Ngân hàng; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; văn hóa; Du lịch. Năm 2022, về cơ bản, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả. Cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện. Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong các phong trào thi đua của tỉnh. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc. Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực tinh thần, thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./. Ông Lê Quang Hòa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh
Hội nghị làm việc với thường trực hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cơ quan chủ trì xây dựng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Hưng Yên và hướng dẫn một số nội dung tổ chức Đại hội thi đua, hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2021 - 2025
Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Ban Thi đua - Khen thưởng phát động phong trào thi đua cao điểm “40 ngày hoàn thành việc nhập dữ liệu khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến và cập nhật trên phần mềm thi đua, khen thưởng của tỉnh”
Hoạt động chào mừng Kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua yêu nước (11/6/1948 - 11/6/2024)