73 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/1948 - 11/6/2021) và các phong trào thi đua nổi bật của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015 - 2020

1. Hoàn cảnh ra đời

Cách mạng Tháng Tám thành công, để giải quyết những khó khăn của đất nước, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ lâm thời phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, mở chiến dịch chống nạn mù chữ để diệt giặc dốt, "mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần dân chúng bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính" và sau đó tổ chức phong trào "tuần lễ vàng". phong trào Nam tiến chi viện cho Nam Bộ kháng chiến chống xâm lược Pháp...Trong điều kiện lịch sử lúc đó, việc phát động tòan dân tham gia thực hiện các chiến dịch và phong trào này không chỉ nhanh chóng giải quyết được nạn đói, nạn dốt, tăng cường chi viện cho kháng chiến ở miền Nam mà còn nâng cao nhận thức chính trị và khẳng định trên thực tế quyền làm chủ thực sự của nhân dân đối với đất nước mới được độc lập. Có thể xem đây là những phong trào có tính chất thi đua đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã góp phần to lớn vào việc tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần của dân tộc để bảo vệ thắng lợi thành quả của cách mạng Tháng Tám.

Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thực hành "Đời sống mới" như "một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc" trên tinh thần "người này thi đua với người khác, nhà này thi đua với nhà khác, làng này thi đua với làng khác" và yêu cầu "Các cơ quan, các bộ đội, các đoàn thể phải hăng hái thi đua nhau mà làm". Trong thời gian này, Người cũng đề nghị "những người ái quốc và dân chủ không có đảng phái, phải lấy công tác thực tế về việc cứu quốc và kiến quốc mà thi đua nhau". Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, trong các điện thư gửi đồng bào, chiến sĩ và Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều kêu gọi tiến hành thi đua trong từng lĩnh vực cụ thể.

 Để động viên toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, theo sáng kiến của Người, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ trung ương Đảng đã ra chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc. Chuẩn bị cho công việc trọng đại này, ngày 06/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc từ trung ương tới địa phương và Sắc lệnh số 196- SL bổ nhiệm người đứng đầu và các thành viên. Nhân dịp kỉ niệm 1000 ngày kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc có tổ chức ở nước ta. Từ đây, phong trào thi đua ái quốc, còn được gọi là phong trào thi đua yêu nước, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động, tổ chức thực hiện, gắn liền với lịch sử và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nhằm ghi nhận truyền thống thi đua yêu nước qua các thời kỳ cách mạng và tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, ngày 04 tháng 3 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg, lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Qua 73 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2021), Ngày truyền thống thi đua yêu nước, chúng ta càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống yêu nước của dân tộc với chủ nghĩa Mác-Lê Nin, sáng tạo ra phong trào thi đua yêu nước động viên sức mạnh đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Qua từng giai đoạn phong trào thi đua yêu nước được tổ chức và phát động theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cách mạng của dân tộc. Các phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của tầng lớp trong xã hội, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của đất nước, các phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả: phong trào “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, vận động “Đời sống mới”, Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng,... đến phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp như: “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” (1/3/1950), thi đua với tinh thần “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” (2/1951), “thi đua đóng thuế nông nghiệp” (3/1953), ...

Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam các phong trào thi đua đã được tổ chức phát động như phong trào “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,... đã được các cấp, các ngành, các giới hăng hái thi đua, tạo động lực tinh thần to lớn, góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ đổi mới các phong trào thi đua tiếp tục được phát động, thực hiện có hiệu quả góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quôc phòng của đất nước, tiêu biểu là các phong trào : “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”; “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”,  “Vì Trường Sa thân yêu”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”,...

Giai đoạn 2015 - 2020, các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động đã được tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả trên toàn quốc. Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” là phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua; với nhiều mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả từ một đến một vài địa phương đã lan tỏa ra cả nước như: Mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu”,…Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước và toàn xã hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 2 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình đã được triển khai ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%; so với đầu nhiệm kỳ có 32,5% xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 50% huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai hiệu quả, khuyến khích khởi nghiệp, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trong 5 năm qua, có hơn 630.000 doanh nghiệp thành lập mới và ngày càng nhiều các doanh nghiệp đạt các danh hiệu "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nhận Thương hiệu quốc gia", "Doanh nghiệp vì người lao động"... Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

2. Các phong trào thi đua nổi bật của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015 - 2020

Phong trào thi đua “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được đẩy mạnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã sáng tạo gắn nội dung đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước. Các nội dung thi đua ngày càng phong phú, diễn ra trong tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương và các lĩnh vực; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, đã có cách làm mới, sáng tạo, gắn việc học và làm theo Bác với các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”, phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” của Công an tỉnh; cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; cuộc vận động “Tuổi trẻ Hưng Yên làm theo lời Bác” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; các phong trào ''Cựu chiến binh gương mẫu'', ''Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi'' của Hội Cựu chiến binh tỉnh....Qua đó, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ với tinh thần "mỗi ngày làm một việc tốt", "vì dân phục vụ".

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Năm 2020, 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; năm 2020, tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển" khuyến khích các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thi đua nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển và thực thi cơ chế chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với mục tiêu giảm thời gian và chi phí, nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai để bị bỏ lại phía sau” đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và chỉ đạo thực hiện.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hưng Yên thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 được triển khai sâu rộng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phong trào thi đua đã bước đầu góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện.

Các phong trào thi đua về lĩnh vực phát triển kinh tế được phát động với chủ đề và nội dung phong phú, được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, công nhân lao động và các tầng lớp Nhân dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển như: “Thi đua thực hiện và có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về điện năng”, “Thi đua thực hiện tốt công tác Quản lý kỹ thuật công nghệ và môi trường công nghiệp”, “Thi đua đẩy mạnh công tác khuyến công”, “Thi đua thực hiện tốt công tác Quản lý khu, cụm công nghiệp”, “Thi đua phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đảm bảo chất lượng công trình xây dựng”, “Đảm bảo vệ sinh - an toàn lao động”. Giai đoạn 2016-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 10,73%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 gấp 1,7 lần so với năm 2015; có thêm 284 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động đến cuối năm 2020 là 1.034 dự án; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 17,8 vạn lao động.

Ngành Giáo dục và Đào tạo luôn coi trọng và đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi như: Phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm, nhất là về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá ở các cấp học, góp phần nâng cao hiệu quả giờ lên lớp cũng như chất lượng dạy, học. Ngành Y tế với các phong trào thi đua: Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các thành tựu y học tiên tiến vào hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; phong trào thi đua thực hiện y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng cơ sở y tế “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; thực hiện Quy tắc ứng xử và chế độ giao tiếp trong ngành y tế,.... Các phong trào: "Đền ơn đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn”, "Hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam”,… của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ giải quyết chính sách xã hội đối với người có công, giải quyết việc làm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng cơ quan văn hóa” có những bước phát triển mới. Thực hiện quản lý tốt các hoạt động lễ hội; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng.

Phong trào “Thi đua quyết thắng” trong lực lượng vũ trang có sự đổi mới, đạt được nhiều thành tích, luôn bám sát 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ phong trào “Thi đua quyết thắng”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương và các phong trào, cuộc vận động của các cấp, các ngành. Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” trong lực lượng Công an tỉnh đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành động lực, tiêu chí phấn đấu, thúc đẩy mạnh mẽ các mặt công tác của lực lượng Công an. Phong trào thi đua “Xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh” gắn liền với cải cách hành chính. Thi đua triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính đã tạo bước chuyển biến mới trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.  Phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào: “Đoàn kết - sáng tạo”, “Xây dựng khu dân cư 3 không”… ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; Phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi giúp hội viên nghèo” của Hội Nông dân, phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, phong trào “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh, phong trào “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh… đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; phong trào thi đua: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân Hưng Yên chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các cấp Công đoàn tập trung triển khai sâu rộng các phong trào thi đua trong các ngành nghề, lĩnh vực với mọi đối tượng lao động. Đẩy mạnh phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, “Tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” và phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động. Phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo” tiếp tục được các cấp hội và hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực hưởng ứng; động viên cổ vũ hội viên phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, khắc phục khó khăn, năng động sáng tạo, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững và làm giàu hợp pháp. Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh đã tổ chức phát động, triển khai hiệu quả phong trào Thanh niên tình nguyện, Phong trào Tuổi trẻ sáng tạo, Phong trào Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc và 03 chương trình: Đồng hành với thanh niên trong học tập, Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.

 Từ các phong trào thi đua 05 năm qua (2015 - 2020), đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đang hàng ngày miệt mài công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu... làm phong phú thêm vườn hoa thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Hưng Yên.

 

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hưng Yên lần thứ IX.

2. Báo cáo tổng kết phong trào thi đua, yêu nước tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X

3. http://banthiduakhenthuongtw.gov.vn/noi-dung/27858

Ban Thi đua - Khen thưởng

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
167 người đang online