Hội thảo xây dựng Dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh

Sáng ngày 22/6/2020, Sở Nội vụ chủ trì tổ chức Hội thảo xây dựng Dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt: (1) Đề án thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; (2) Đề án giải quyết số giáo viên trung học cơ sở vượt quá số giao tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; (3) Đề án sắp xếp các tổ chức Hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính: các đồng chí Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Hành chính sự nghiệp và trưởng  các phòng chuyên môn có liên quan; UBND các huyện thị xã, thành phố: các đồng chí Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch và một số Hiệu trưởng các Trường có khả năng thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thiều Hương, Phó Giám đốc Sở Chủ trì Hội thảo nhấn mạnh, để các Đề án trên có tính khả thi cao đề nghị các ông, bà tham dự Hội thảo phát biểu đưa ra các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cũng như việc đề xuất những giải pháp cơ chế, chính sách để Sở lắng nghe, tổng hợp, tiếp thu và hoàn thiện các Đề án trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá, trao đổi những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp chính sách về việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục công lập; nhằm mở rộng hơn nữa việc giao quyền tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự gắn với tự chịu trách nhiệm.

Bà Phạm Thanh Yên, Hiệu trưởng Trường THCS Dương Phúc Tư, huyện Văn Lâm có ý kiến để tư tưởng của cha mẹ học sinh, nhân dân đồng tình ủng hộ đưa các trường học ra thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên và để thu hút được học sinh sau khi thực hiện cơ chế tự chủ thì chất lượng nhà trường phải tốt, để chất lượng nhà trường tốt thì trước tiên phải có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên, nhân viên tốt, chất lượng cao. Thực tế hiện nay cơ sở vật của các trường dự kiến thực hiện tự chủ xây dựng đã lâu không còn phù hợp. Ngoài ra chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên cũng rất quan trọng bởi đây là đội ngũ xương sống của nhà trường sau khi thực hiện tự chủ, bà Yên đề nghị Sở nghiên cứu mức thu học phí cho phù hợp với thực tế.

Bà Phạm Thị Lan, Trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính đề nghị không đưa mức thu học phí vào Đề án, sau khi đơn vị được giao thực hiện tự chủ tự đảm bảo chi thường xuyên sẽ phối hợp với Sở Tài chính để tính toán mức giá thu học phí cho phù hợp vì các cơ chế chính sách đang áp dụng ở giai đoạn này là giai đoạn ngân sách 2015-2020 sẽ thay đổi ở giai đoạn ngân sách 2021-2025.   

Kết thúc Hội thảo, đa số các đại biểu dự Hội thảo nhất trí, thống nhất việc xây dựng Đề án nêu trên là cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tải về nhu cầu biên chế giáo dục và đào tạo trong bối cảnh chung hiện nay và tạo điều kiện cho các tổ chức hội quần chúng hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng ngày càng đa dạng, phong phú của hội viên và nhân dân.

Một số hình ảnh Hội thảo: 

 

Bùi Xuân Hiếu, Trưởng phòng TCBC&TCPCP