Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Những thành tựu nổi bật của Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên

Đăng ngày 28 - 08 - 2015
100%

 

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, làm nên cuộc cách mạng giải phóng kỳ diệu trong lịch sử dân tộc ta. Trong những ngày tháng Tám sục sôi ấy, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên cáo được thành lập gồm 13 bộ và 15 vị bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, trong cơ cấu Chính phủ có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Đây là cơ quan của Chính phủ lâm thời, thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền còn non trẻ. Từ đó đến nay, 70 năm đã trôi qua, ngày 28/8 đã đi vào lịch sử, dánh dấu  sự ra đời của ngành và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của ngành Tổ chức nhà nước.

Ngay sau khi Bộ Nội vụ được thành lập, nhiệm được phân công lãnh đạo, theo dõi hai lĩnh vực công tác chính là tổ chức, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền các cấp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đặc biệt là tập trung cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 06/01/1946, soạn thảo Dự thảo Hiến pháp, tham mưu thành lập các tổ chức của Chính phủ, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền địa phương, thiết lập chế dộ công chức mới ở nước ta…

Trong những năm 1960 - 1969, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/CP, theo đó: Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước và công tác dân chính.

Năm 1973, trên cơ sở những chức năng, nhiệm vụ, công tác tổ chức cán bộ được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng, ngày 20/02/1973 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/CP thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ, để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức, xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước trong tình hình nhiệm vụ mới.

Năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định quy định lại tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ thành Ban Tổ chức-Cán bộ của Chính phủ là cơ quan ngang Bộ. Chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức gồm: quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước; công chức, viên chức nhà nước; lập hội quần chúng và tổ chức phi chính phủ; phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tư liệu quốc gia.

Năm 2002, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Tổ chức Nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 05/8/2002, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22/2002/QH11 quy định danh sách các Bộ, cơ quan ngang Bộ; trong đó, Ban Tổ chức, cán bộ Chính phủ được đổi tên thành Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ tực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương; quản lý địa giới hành chính; cán bộ công chức, viên chức nhà nước; tổ chức hội và tổ chức phi Chính phủ; văn thư lưu trữ Nhà nước và quản lý Nhà nước về dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Năm 2007, Bộ Nội vụ được tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về Thi đua-Khen thưởng, Tôn giáo, Cơ yếu. Năm 2011, Bộ Nội vụ được bổ sung nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh niên. Năm 2014, Bộ Nội vụ được bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

Cùng với sự ra đời, trưởng thành của Bộ Nội vụ, ở các địa phương bộ phận tham mưu về công tác Tổ chức nhà nước đã hình thành.

Sau tổng tuyển cử năm 1946, Ủy ban hành chính (UBHC) tỉnh được thành lập và tổ chức ra một số Ty chuyên môn. Công tác Tổ chức nhà nước lúc đầu chỉ có một số cán bộ đảm nhiệm công tác, sau đó hình thành phòng nhân sự thuộc UBHC tỉnh, sau được đổi tên thành Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Ủy ban (UB) kháng chiến kiêm hành chính. Công tác TCNN  lúc này tập trung chủ yếu là giúp cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh xây dựng bộ máy chính quyền ở địa phương, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ mới, tham gia tích cực phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Từ khi giành được chính quyền và trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù ngành TCNN ở tỉnh Hưng Yên chưa có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, song mọi nhiệm vụ đã bám sát chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn củng cố, từ UBND cách mạng lâm thời đến UBHC, UB kháng chiến kiêm Hành chính, sau đó lại là UBHC. Chính quyền các cấp trong tỉnh Hưng Yên đã làm tròn sứ mạng tổ chức, lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đưa sự nghiệp cách mạng kháng chiến đi đến thắng lợi.

Sau hòa bình năm 1954, Ban giúp UBHC tỉnh thành lập xây dựng, tổ chức chính quyền nhân dân các cấp; tạo đà quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Thực hiện Thông tư số 15/NV  ngày 13/6/1963 của Bộ Nội vụ. Ban Tổ chức và Dân chính thuộc UBHC tỉnh được thành lập. Trong thời kỳ này Ban đã tham mưu, giúp Tỉnh ủy, UBHC tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu là: tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền các cấp; phân nhiệm và phân cấp quản lý; xây dựng và sửa đổi chế độ công tác; địa giới hành chính; bầu cử Quốc hội, HĐND, UBHC các cấp; quản lý biên chế; quản lý cán bộ theo phân cấp; thực hiện các chính sách cho cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ xã, thương binh, liệt sỹ, bộ đội phục viên; cán bộ miền Nam tập kết, Việt kiều về nước; khen thưởng, kỷ luật; hộ tịch, lập hội, bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội, quản lý nhà đất.

Năm 1968, tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Thời kỳ đầu mới hợp nhất tỉnh và sáp nhập huyện, Ban Tổ chức và Dân chính tỉnh Hải Hưng là một trong những cơ quan sớm đi vào hoạt động, ổn định. Sau đó Ban được tách thành 02 ban: Ban Tổ chức; Ban Thương binh xã hội. Đến năm 1978, Ban Tổ chức được chia tách thành Ban Tổ chức và Ban Tuyển sinh.

Thực hiện Nghị định số 181/CP ngày 09/11/1994, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hải Hưng được thành lập. Ban có chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các mặt công tác: Tổ chức cán bộ; bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; công tác địa giới hành chính; công tác xây dựng chính quyền các cấp; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức bộ máy, công chức và viên chức Nhà nước, lập hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ, xây dựng và củng cố chính quyền các cấp; thanh tra, kiểm tra các cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, và công dân trong việc thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước thuộc lĩnh vực do Ban phụ trách…

Giai đoạn này Ban Tổ chức chính quyền tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh Hải Hưng quy định, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chia tách, giải thể nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh; thực hiện tốt công tác cán bộ, thuyên chuyển hàng ngàn cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cán bộ cho các chiến trường B, C, K, vùng kinh tế mới; tham mưu tổ chức nhiều cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính, lý luận chính trị; làm tốt công tác phân vạch địa giới hành chính theo Chỉ thị số 364/CT ngày 06/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

Suốt 29 năm của tỉnh Hải Hưng, dù trong hoàn cảnh nào đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tổ chức nhà nước tỉnh luôn luôn đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo, chấp hành  sự phân công, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, cùng với các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước sau ngày giải phóng Miền nam thống nhất đất nước.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 ngày 06/11/1996, tỉnh Hải Hưng được chia tách để tái lập hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Khi đó toàn tỉnh Hưng Yên có 06 đơn vị hành chính gồm: thị xã Hưng Yên, các huyện: Ân Thi, Châu Giang, Kim Động, Mỹ Văn và  Phù Tiên.

Ngày 07/01/1997, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 03/1997/QĐ-UB thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hưng Yên là 01 trong 20 cơ quan được thành lập. Thời kỳ đầu mới thành lập, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hưng Yên khi mới thành lập có 3 Tổ chuyên môn: Tổ chức - công chức, Xây dựng chính quyền và Hành chính. Đến tháng 9/1997, các phòng, bộ phận của Ban được thành lập gồm có các phòng: Tổ chức công chức, xây dựng chính quyền địa phương, Tổ chức-Hành chính-Tổng hợp và bộ phận Thanh tra-Bồi dưỡng cán bộ và công chức, viên chức.

Ngay sau khi tỉnh Hưng Yên được tái lập, Ban Tổ chức chính quyền đã khẩn trương, tham mưu, giúp UBND tỉnh thành lập 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 30 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và các sở, ngành, huyện, thị xã; 07 Chi cục quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc một số sở, ngành; 12 phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; 11 doanh nghiệp nhà nước. Đề xuất về cơ cấu tổ chức, về biên chế, về bố trí cán bộ, công chức của các cơ quan nhằm đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới. Tại cấp huyện, công tác TCNN được giao cho phòng Tổ chức, Lao động và xã hội.

Ngày 20/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg đổi tên Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành Sở Nội vụ. Ngày 19/01/2004 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2004/TT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác nội vụ ở địa phương. Trên cơ sở đó ngày 05/3/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 13/2004/QĐ-UBND về việc đổi tên Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thành Sở Nội vụ và Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ trực thuộc UBND tỉnh Hưng Yên là tham mưu và giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về Nội vụ, bao gồm các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, sự nghiệp; tổ chức chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ công chức xã, phường, thị trấn; tổ chức Hội và tổ chức phi Chính phủ, các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở Nội vụ.

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Sở Nội vụ chủ động xây dựng đề án trình TU, HĐND, UBND tỉnh Quyết định sát nhập, chia tách, hợp nhất, giải thể các sở, ban, ngành, từ 24 xuống còn 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Cùng thời điiểm đó, Ngày 21/3/2008 UBND tỉnh đã ban hành quyết định sáp nhập Ban Thi đua, Khen thưởng tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh vào Sở Nội vụ; thành lập trung tâm lưu trữ thuộc sở trên cơ sở tiếp nhận phần lưu trữ của Trung tâm lưu trữ-tin học thuộc VPUBND tỉnh.

Thời kỳ này, Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên đã có những bước phát triển mới theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ máy tổ chức gồm: Văn phòng, Thanh tra, các phòng: Cải cách hành chính, Tổ chức công chức, Xây dựng chính quyền địa phương, Đào tạo, thi tuyển, Ban Tôn giáo, Ban Thi đua-Khen thưởng và Trung tâm lưu trữ. Năm 2010, Chi cục Văn thư-Lưu trữ trực thuộc Sở được thành lập trên cơ sở hợp nhất bộ phận Quản lý Văn thư-Lưu trữ của phòng Cải cách hành chính-Quản lý văn thư lưu trữ và Trung tâm Lưu trữ thuộc sở. Năm 2011, Sở được  bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh niên và thành lập thêm phòng Công tác thanh niên.

Đối với cấp huyện, công tác Nội vụ được giao cho phòng Nội vụ, Lao động và Xã hội (2005). Năm 2008, phòng Nội vụ được thành lập trên cơ sở tách ra từ phòng Nội vụ, Lao động và Xã hội, là cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ ở địa phương.

Thực hiện các quy định của chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Sở Nội vụ, phòng Nội vụ các huyện, thành phố, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, của Sở Nội vụ tỉnh; Quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trong đó có phòng Nội vụ. Theo đó, cơ quan thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND các cấp về công tác Nội vụ có chức năng giúp UBND các cấp quản lý Nhà nước về tổ chức bộ máy; vị trí việc làm; biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi Chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng và công tác thanh niên.

Từ năm 1997 đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TCNN đã kế thừa những thành tựu, truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, luôn luôn đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quan tâm công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ pháp lý để các ngành các cấp triển khai thực hiện theo đúng qui định của nhà nước; đặc biệt từ năm 2005 đến nay, sở Nội vụ đã tham mưu giúp UBND ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ, hầu hết các qui định đang được áp dụng có hiệu quả thiết thực.

Công tác tổ chức bộ máy, tham mưu giúp UBND các cấp kiện toàn, sắp xếp nhiều cơ quan, đơn vị theo đúng tinh thần cải cách hành chính đảm bảo tinh gọn hoạt động hiệu lực hiệu quả. Kịp thời tham mưu tổ chức thi công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đảm bảo đúng quy chế, khách quan, dân chủ, an toàn, đúng luật. Trong bối cảnh tỉnh mới tái lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu hụt những chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, ngành đã chú trọng tham mưu cơ chế thu hút nguồn nhân lực có chất lượng về công tác tại các cơ quan, đơn vị, chính quyền trong tỉnh như đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp Đại học chính quy về làm công chức xã; đề án thu hút Bác sỹ, dược sỹ đại học chính quy về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế; cơ chế khuyến khích ưu đãi thu hút những tài năng về tỉnh công tác. Công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được ngành chú trọng quan tâm, tham mưu, thực hiện đúng theo quy định, nhiều cán bộ trẻ tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được đưa vào diện quy hoạch lãnh đạo chủ chốt, một số người đã được bổ nhiệm, khẳng định được năng lực chuyên môn và nhiệt huyết của tuổi trẻ trong quá trình công tác. Công tác xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội bền vững luôn được ngành quan tâm trong tham mưu như triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. mục tiêu mở rộng dân chủ ở cơ sở, làm chuyển biến một bước quan trọng phương thức lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của chính quyền xã và hoạt động của các đoàn thể nhân dân; phối hợp tham mưu tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Công tác địa giới hành chính được ngành nghiên cứu triển khai thực hiện thận trọng, chặt chẽ, chính xác. Ngành đã tham mưu sáp nhập, chia tách một số huyện trong giai đoạn của tỉnh Hải Hưng và Hưng Yên; Đến năm 1999, sau 2 năm tái lập tỉnh, ngành đã giúp TU,HĐND, UBND tỉnh thành lập 7 đơn vị hành chính( Yên mỹ, văn lâm, mỹ hào, Khoái châu, Văn Giang, Tiên Lữ, Phù cừ) từ 3 đơn vị hành chính của huyện Châu Giang, Mỹ văn, Phù tiên; Thành lập thành phố Hưng Yên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Hưng Yên( năm 2009) và điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên năm 2013. Việc thành lập mới đơn vị chính quyền, mở rộng, nâng cấp đô thị đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của tỉnh.

Giúp UBND tỉnh tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 sau 10 năm thực hiện; tham mưu ban hành chương trình tổng thể cải cách hành giai đoạn 2011-2020; Đề án mô hình một cửa, một cửa liên thông cấp huyện, triển khai từ năm 2015; Bộ chỉ số đánh giá Cải cách hành chính tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Tham mưu ban hành Kế hoạch, chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức với mục tiêu xây dựng một nền công vụ: chuyên nghiệp. trách nhiệm, năng động,minh bạch, hiệu quả”. Hoàn thành Đề án vị trí việc làm tạo được khung mô hình rõ về vai trò, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, giúp cho công tác quản lý, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng được khoa học chính xác...

Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, trải qua các giai đoạn khác nhau, nhưng dù ở bất kỳ giai đoạn nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, tuy chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi có sự thay đổi tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng và cải cách tổ chức bộ máy mỗi thời kỳ, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Nội vụ, ngành TCNN tỉnh Hưng Yên luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Ghi nhận và biểu dương thành tích xuất sắc của Sở Nội vụ, các đơn vị trong  ngành trong những năm qua, nhất là từ khi tỉnh hưng yên được tái lập, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân Chương lao động Hạng Nhì và Hạng Ba; nhiều Cờ Thi đua xuất sắc và Bằng khen của Chính phủ, Bộ Nội. UBND tỉnh tặng thưởng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen cho sở Nội vụ và nhiều tập thể các cơ quan chuyên môn thuộc sở nội vụ, các phòng tổ chức thuộc các sở, ban, ngành, phòng Nội vụ các huyện thành phố. Nhiều cán bộ, CC,VC, người lao động trong ngành nhận được các phần thưởng cao quí của Đảng, nhà nước, chính phủ, tỉnh ủy và UBND tỉnh. 

Tin mới nhất

°
60 người đang online